Vùng mía đường Thạch Thành

Địa phương: Thị trấn Lam Sơn-Huyện Thọ Xuân-Tỉnh Thanh Hóa.

Trong mấy năm qua, tuy việc trồng mía cung cấp cho các nhà máy đường gặp rất nhiều khó khăn, nhưng diện tích mía đã phát triển khá nhanh. Những vùng trồng mía rộng lớn xung quanh các nhà máy đường đã được hình thành. Sản lượng mía cung cấp cho các nhà máy hàng năm đều tăng, kỹ thuật trồng trọt có tiến bộ. Có một số nơi đã áp dụng kinh nghiệm thâm canh đưa năng suất mía lên khá cao: 60T đến 70tấn/ha, cá biệt có nơi đạt 90T đến 100 tấn/ha.

Việc thu mua, đốn chặt, vận chuyển cũng có tiến bộ. Việc thi hành một số chính sách với nhân dân ở vùng trồng mía cung cấp cho nhà máy đường trước đây, đã có tác dụng khuyến khích, thúc đẩy sản xuất phát triển, quan hệ giữa Nhà nước với nông dân, giữa nhà máy với hợp tác xã nông nghiệp tốt hơn trước.

Tuy nhiên, nhìn chung trong các địa phương đã được giao nhiệm vụ trồng mía cung cấp cho nhà máy đường, nhân dân chưa thật yên tâm phấn khởi trồng mía. Tốc độ phát triển diện tích đất trồng mía tăng khá nhanh, nhưng năng suất mía còn kém. Trong ba năm gần đây, năng suất mía mỗi năm mỗi giảm.

Việc cung cấp mía cho các nhà máy đường do đó còn gặp nhiều khó khăn, với số mía mua được, nhà máy chỉ phải sử dụng trên dưới 50% công suất thiết bị mà vẫn phải bố trí đủ dây chuyền như khi sử dụng hết công suất. Mặt khác, vì diện tích trồng mía quá phân tán, quá xa nhà máy, cho nên kế hoạch chặt và vận chuyển không đảm bảo, mía chặt rồi phải chờ phương tiện vận chuyển, bị hao hụt nhiều. Tình hình vận chuyển mía và việc cung cấp mía không đủ như trên gây nên lãng phí rất lớn.

Nguyên nhân của tình hình trên đây là:

1. Giữa một số ngành ở trung ương và một số địa phương còn có điểm chưa thật thông suốt trong việc chỉ đạo phát triển mía, chỉ tiêu kế hoạch trồng mía hàng năm giao chậm, phương hướng sản xuất của địa phương chưa cụ thể, việc chỉ đạo cải tiến kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất chưa được coi trọng đúng mức.

2. Cán bộ và nhân dân ở vùng được giao nhiệm vụ trồng mía cung cấp cho nhà máy chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc sản xuất mía bán cho nhà máy, cho nên các chỉ tiêu trồng mía chưa được chấp hành nghiêm chỉnh. Công tác quản lý thu mua mía còn lỏng lẻo, tình trạng lãng phí về mía cây trong việc ép mật, ăn tươi, bán ra thị trường tự do rất phổ biến. Sản lượng mía thu mua chỉ đạt bình quân 24 tấn/ha, trong khi sản lượng thu hoạch bình quân trên mỗi héc-ta là 40 tấn. Kế hoạch đốn chặt và vận chuyển mía của nhà máy chưa sát, cũng gây thêm khó khăn cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

3. Việc thi hành các chính sách đã ban hành đối với vùng trồng mía còn nhiều thiếu sót, công tác tuyên truyền giáo dục trong nhân dân cũng chưa được chú ý đúng mức. Vùng trồng mía cung cấp cho nhà máy thường là nơi diện tích ruộng đất ít, người đông, nhưng nhiều nơi thi hành chính sách lương thực chưa tốt, không phân biệt nông dân ở vùng trồng mía tập trung với nông dân thiếu ăn nói chung, cho nên đã cung cấp lương thực một cách bình quân, chưa chiếu cố đầy đủ đến những người trồng nhiều mía bán cho Nhà nước. Chính sách bán hàng công nghiệp và các chính sách khuyến khích khác đối với vùng trồng mía cũng chưa được chú ý đúng mức. Do những thiếu sót trên, nhân dân ở vùng trồng mía chưa an tâm phấn khởi sản xuất mía, và thường hay suy bì giữa vùng trồng mía với vùng trồng cây lương thực, giữa vùng trồng mía và vùng trồng cây công nghiệp khác.

Để khắc phục tình trạng kể trên, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất đủ mía cung cấp cho ba nhà máy đường trung ương, Hội đồng Chính phủ quyết định quy vùng trồng mía và ban hành những chính sách khuyến khích sản xuất mía như sau:

I. QUY VÙNG TRỐNG MÍA

1. Nhà máy đường Vạn Điểm:

Hà Nam gồm các huyện: Lý Nhân, Duy Tiên.

- Hà Đông gồm các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên.

- Hưng Yên gồm các huyện: Khoái Châu, Kim Động.

Ngoài ra, trong hai năm 1964 – 1965, Hà Nội cần bảo đảm cung cấp một phần mía cho nhà máy Vạn Điểm.

2. Nhà máy đường Việt Trì:

- Vĩnh Phúc gồm các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Yên Lãng, Lập Thạch.

- Phú Thọ gồm các huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Phù Ninh, Hạc Trì, Lâm Thao.

- Sơn Tây gồm các huyện: Quảng Oai, Phúc Thọ.

3. Nhà máy đường Sông Lam:

- Nghệ An gồm các huyện: Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên.

- Hà Tĩnh gồm các huyện: Đức Thọ, Hương Sơn.

Trên đây là hướng quy vùng tập trung, nhưng trong năm 1964 còn những chỗ chưa vào diện quy vùng mà đã trồng bán cho nhà máy thì vẫn bán mía cho nhà máy.

II. NHỮNG CHÍNH SÁCH NHẰM ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT MÍA TRONG VÙNG SẢN XUẤT TẬP TRUNG

1. Chính sách giúp đỡ thâm canh tăng năng suất mía:

 Trước hết, cần xác định sự cần thiết phải quy vùng tập trung trồng mía, vì đây là thực hiện cụ thể chủ trương công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Sản xuất lương thực là rất cần thiết nhưng vì đây là quy vùng tập trung trồng mía để cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy với giá thành hạ, bảo đảm vừa có lợi cho nông dân, vừa có lợi cho Nhà nước, cho nên đối với những vùng này trước tiên là phải bảo đảm đủ diện tích trồng, diện tích để luân canh và sản lượng mía. Trên cơ sở bảo đảm diện tích, thực hiện thâm canh tăng năng suất, bảo đảm sản lượng mía cung cấp cho nhà máy mà đẩy mạnh sản xuất lương thực. Sau khi cân đối rồi mà còn thiếu một phần lương thực, Nhà nước sẽ bảo đảm cung cấp lương thực cho nông dân ở nơi trồng mía đủ ăn. Ở đây vấn đề không phải là sản xuất đủ lương thực đã rồi mới trồng mía.

Vì vậy, các tỉnh có quy vùng trồng mía tập trung phải phấn đấu cả về diện tích và năng suất để bảo đảm đủ mía cung cấp cho nhà máy, đồng thời phải có những biện pháp tích cực về sản xuất cũng như về thu mua lương thực trong toàn tỉnh.

- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Nông nghiệp phải giúp đỡ các tỉnh này xác định phương hướng sản xuất cụ thể trong vùng.

- Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm phải hướng dẫn kỹ thuật để đưa dần năng suất mía lên. Phải cung cấp đủ phân bón hóa học các loại theo kế hoạch cho vùng trồng mía, số phân đó sẽ được phân phối cho nhà máy đường để cung cấp thẳng cho những hợp tác xã trồng mía, phải hướng dẫn việc sử dụng phân cho thật tốt, tránh lãng phí. Phải tăng cường cán bộ kỹ thuật trồng mía cho các tỉnh nói trên.

- Bộ Thủy lợi có trách nhiệm giúp tỉnh lập quy hoạch thủy lợi cho vùng trồng mía kết hợp với các loại cây trồng khác. Phải có đủ nước bảo đảm đủ độ ẩm theo yêu cầu của cây mía trong từng giai đoạn.

2. Chính sách lương thực:

- Đối với những vùng vì trồng mía bán cho nhà máy mà thiếu lương thực thì trong những tháng thiếu ăn, Nhà nước bảo đảm cung cấp cho mỗi nhân khẩu mỗi tháng khoảng 10kg lương thực theo tinh thần Nghị quyết số 55-CP về chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

- Đồng thời, Tổng cục Lương thực cùng Bộ Công nghiệp nhẹ cần xúc tiến nghiên cứu gấp chính sách cung cấp lương thực theo đầu tấn mía để khuyến khích việc tăng năng suất mía và tập trung mía bán cho nhà máy.

3. Chính sách thu mua mía:

- Nông dân ở vùng trồng mía tập trung được Nhà nước cung cấp lương thực, ứng trước vốn để mua phân bón, v.v… có nghĩa vụ phải bán tất cả số mía sản xuất được cho nhà máy, không được giữ mía lại ép mật hoặc bán ra thị trường tự do.

Nhưng để bảo đảm nhu cầu về đường mật, nông dân vùng trồng mía tập trung có bán mía cho Nhà nước được mua lại đường mật của nhà máy, cứ mỗi tấn mía bán cho nhà máy thì được mua 1kg đường hay là 2kg mật như lâu nay đã thi hành.

- Nếu đơn vị hợp tác xã nông nghiệp nào bán mía cho nhà máy đạt mức hoặc vượt mức quy định thì ngoài việc được khen thưởng về mặt tinh thần, còn được hưởng những phần thưởng vật chất như sau:

Được mua thêm một số hàng công nghiệp ngoài tiêu chuẩn cung cấp như vải, ny-lông, v.v…

Được nhà máy thưởng thêm bằng hiện vật.

- Để thực hiện được đầy đủ việc thu mua mía, đi đôi với việc vận động, giáo dục các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân làm tốt nghĩa vụ bán sản phẩm cho Nhà nước, cần chú ý tăng cường công tác quản lý thị trường tận nơi sản xuất và cả nơi tiêu thụ. Bộ Nội thương cần có kế hoạch tổ chức thu mua lại và tiêu thụ tất cả các che ép mía của hợp tác xã nông nghiệp và nông dân ở các vùng sản xuất mía tập trung với giá cả thích đáng, khuyến khích hợp tác xã và nông dân bán hết cho Nhà nước, việc mua bán che ép này không được lấy lãi cố gắng bán hòa vốn.

4. Chính sách giá cả:

Nhà nước mua theo giá khuyến khích các loại mía gốc có năng suất và phẩm chất tốt, và chỉ mua theo giá khuyến khích hai năm. Đối với diện tích 5% đất để lại, phải vận động nông dân vùng đất đó trồng rau và hoa mầu để phát triển chăn nuôi, không nên khuyến khích dùng đất đó để trồng mía bán cho nhà máy nữa.

- Để khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp tìm mọi cách vận chuyển mía đến nhà máy một cách nhanh chóng. Bộ Công nghiệp nhẹ cần cùng với các Ủy ban hành chính tỉnh nghiên cứu áp dụng giá thu mua tại bến. Cần làm thí điểm trước rồi sẽ mở rộng dần.

- Đối với số mía bán vượt mức kế hoạch, Nhà nước sẽ mua theo giá khuyến khích, tỷ lệ khuyến khích quy định là 5% so với giá thu mua.

- Đối với giống mía P/134, lúc này vẫn khuyến khích phát triển, giá mua vẫn giữ nguyên như cũ.

Tất cả những chính sách trên đây chỉ áp dụng đối với những vùng trồng mía tập trung để cung cấp cho các nhà máy đường trung ương. Đối với nhà máy đường địa phương, Ủy ban hành chính tỉnh sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình mà đề nghị chính sách cụ thể.

Việc quy vùng trồng mía tập trung để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy đường là một việc mới đối với nông dân, nó thay đổi cả phương hướng sản xuất và tập quán canh tác của nông dân. Vì vậy, phải phổ biến sâu rộng các chính sách đến tận xã, hợp tác xã, đến tận người dân. Đi đôi với việc chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách nói trên, phải tăng cường giáo dục chính trị trong nông dân, đề cao trách nhiệm của nông dân đối với Nhà nước, đối với sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Nội thương, Bộ Thủy lợi, Tổng cục Lương thực, các cơ quan có trách nhiệm khác và Ủy ban hành chính các tỉnh đã được quy vùng trồng mía phải thi hành nghiêm chỉnh quyết định này.

Bộ Tài chính cần liên hệ chặt chẽ với các ngành và các địa phương để phục vụ kịp thời và đầy đủ cho việc quy vùng trồng mía này, đối với nguồn thu của ngân sách các địa phương trực tiếp thực hiện việc quy vùng cần chú ý điều chỉnh cho thỏa đáng trên tinh thần khuyến khích các Ủy ban hành chính địa phương tích cực thực hiện việc quy vùng sản xuất tốt và thu mua vượt mức sản phẩm cho Nhà nước.