Tin tức

Xây dựng chợ an toàn thực phẩm và những vấn đề đặt ra

Tin hoạt động | 12-03-2019 | 28 lượt xem

Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 3 chợ trong kế hoạch năm 2018 được công nhận chợ đạt tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm theo quy định tại TCVN 11856:2017 là: Chợ Tân An, chợ Trường Thi (TP Thanh Hóa), chợ Cột Đỏ (TP Sầm Sơn).

Thực phẩm tươi sống tại chợ Tây Thành (TP Thanh Hóa) truy xuất được nguồn gốc.

Theo Quyết định 335/QĐ-UBND ngày 24-1-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu thực hiện công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2018, cùng với việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, bếp ăn an toàn thực phẩm (ATTP), toàn tỉnh phấn đấu xây dựng 38 chợ kinh doanh thực phẩm theo tiêu chí quy định tại TCVN 11856:2017 (sau đây gọi là chợ ATTP).

Thực tế, mô hình chợ ATTP đã được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2013. Chợ Tây Thành, chợ Đông Thành, chợ Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) là 3 chợ đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thí điểm xây dựng mô hình. Các chợ này đã phát huy hiệu quả khá tốt trong việc bước đầu hình thành chợ hàng hóa nông sản, thực phẩm có xuất xứ, được chứng nhận bảo đảm quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap). Chợ Tây Thành được đầu tư cải tạo khu giết mổ và bán hàng tươi sống bảo đảm tiêu chuẩn, các tiểu thương được định kỳ tập huấn, phổ biến về tầm quan trọng của việc kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng và vệ sinh ATTP. Các tiểu thương đã lựa chọn và liên kết với các cơ sở sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP để cung cấp sản phẩm bảo đảm an toàn cho người dân. Từ đó, đơn vị cũng có cơ hội mở rộng thị trường cung ứng thực phẩm cho các bếp ăn tập thể tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, Khu du lịch Hải Tiến, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố..., tạo được uy tín và niềm tin với khách hàng.

Năm 2018, chợ Cột Đỏ, TP Sầm Sơn là 1 trong 6 chợ do cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện xây dựng mô hình chợ ATTP. Hàng ngày, ban quản lý, tổ giám sát vệ sinh ATTP chợ thường xuyên kiểm tra xuất xứ, nguồn gốc thực phẩm, tem vệ sinh thú y đối với sản phẩm giết mổ; định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm có nguy cơ cao gây mất ATTP. Sau gần 1 năm nỗ lực thực hiện các tiêu chí xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm an toàn, công tác bảo đảm ATTP tại chợ Cột Đỏ đã có những chuyển biến rõ rệt.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, qua thực tế, nhìn chung các địa phương đã có sự quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai lựa chọn để xây dựng chợ ATTP. Một số chợ điển hình đang tích cực triển khai hoàn thành các tiêu chí, như: Chợ Neo (Thọ Xuân); chợ Kiểu (Yên Định); chợ Hậu Hiền (Thiệu Hóa); chợ Nghè (Hậu Lộc); chợ Vân Du (Thạch Thành); chợ Vồm, chợ Tào (TP Thanh Hóa); chợ Yên Thọ (Như Thanh); chợ Điền Lư (Bá Thước)... Các chợ này đều đang được đầu tư xây mới, hoặc nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị để xây dựng đạt chuẩn chợ ATTP. Riêng huyện Đông Sơn, do được lựa chọn để xây dựng mô hình thí điểm là huyện ATTP nên ngoài 2 chợ theo Quyết định 335/QĐ-UBND của tỉnh, huyện còn triển khai xây dựng thêm 9 chợ khác trên địa bàn.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Sở Công Thương, mục tiêu hoàn thành, về đích kế hoạch đặt ra về tiêu chí chợ ATTP năm 2018 đang gặp không ít khó khăn. Tiến độ thực hiện xây dựng tiêu chí của một số chợ còn chậm, điển hình như: Chợ Hoàng (Nga Sơn), chợ Giáng (Vĩnh Lộc), chợ Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn), chợ Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) chưa được quan tâm, chỉ đạo để triển khai, xây dựng chợ ATTP.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 3 chợ trong kế hoạch năm 2018 được công nhận chợ đạt tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm theo quy định tại TCVN 11856:2017 là: Chợ Tân An, chợ Trường Thi (TP Thanh Hóa), chợ Cột Đỏ (TP Sầm Sơn). Nguyên nhân là do hiện trạng các chợ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chợ hạng 2 và hạng 3, cơ sở vật chất kỹ thuật bị xuống cấp, cần phải đầu tư, tu bổ, mua sắm trang thiết bị trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp. Hiện UBND tỉnh đã cấp nguồn kinh phí cho các địa phương và đơn vị xây dựng mô hình chợ ATTP. Tuy nhiên, theo quy định, nguồn kinh phí chỉ được giải ngân khi chợ được công nhận là chợ ATTP. Hơn nữa, việc đầu tư xây dựng các hạng mục phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, như: Khảo sát, nghiên cứu lập dự án, được thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế kỹ thuật thi công công trình... dẫn đến các chợ hiện nay mới tiến hành đầu tư nên không bảo đảm tiến độ, kế hoạch.

Ngoài tiêu chí cơ sở vật chất, các tiêu chí khác để công nhận chợ ATTP được đặt ra cũng đầy đủ, nghiêm ngặt và thực tế thực hiện cũng còn khá nhiều vấn đề đáng quan tâm. Điển hình như tiêu chí về thực phẩm kinh doanh tại chợ phải có nguồn gốc rõ ràng; không bán thực phẩm nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại, thực phẩm quá hạn sử dụng, chất lượng không bảo đảm. Các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm phải có sự kiểm soát và chứng nhận ATTP của cơ quan thú y. Các sản phẩm rau, củ, quả phải có giấy xác nhận xuất xứ, nguồn gốc. Hàng thực phẩm chế biến được bảo quản trong tủ kính, tủ bảo ôn hoặc che đậy, bao gói vệ sinh; phải có ngày sản xuất và hạn sử dụng ghi đầy đủ trên bao, gói sản phẩm... Song, trên thực tế, hàng hóa nông sản kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh chủ yếu được cung cấp từ chợ rau quả, thực phẩm đầu mối Đông Hương (TP Thanh Hóa), đại lý tại chợ cũng chưa quan tâm và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Ngay cả với những chợ đã được công nhận là chợ ATTP vẫn chưa thực hiện triệt để vấn đề này. Đại diện chủ đầu tư chợ Quảng Thắng (TP Thanh Hóa), cho biết: Thực hiện mô hình chợ ATTP, đơn vị đã đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất khu vực bán hàng tươi sống đạt các tiêu chí quy định. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng sản phẩm, xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa thực sự nan giải và khó thực hiện. Các tiểu thương mua bán tại chợ chủ yếu là buôn bán nhỏ, việc yêu cầu quá nghiêm ngặt về xuất xứ hàng hóa cần phải thực hiện từng bước một trong tương lai.

Xây dựng chợ ATTP là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Để đẩy nhanh quá trình xây dựng, bảo đảm các tiêu chí chợ ATTP, cần sự vào cuộc thực sự của các cấp, các ngành, của các doanh nghiệp, người sản xuất và tiêu dùng. Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền tầm quan trọng của vấn đề ATTP, cần đẩy mạnh tuyên truyền thu hút các nguồn lực xã hội hóa thực hiện đầu tư nâng cấp các chợ, cũng như nâng cao ý thức, tạo sự đồng thuận của người dân về vấn đề này. Chủ đầu tư các chợ cũng cần tích cực liên kết và khuyến khích các tiểu thương tìm kiếm, kinh doanh các nguồn hàng bảo đảm chất lượng, truy xuất được nguồn gốc hàng hóa.

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Ký cam kết thực hiện pháp luật về An toàn giao thông và an toàn thực phẩm cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên

Tin về ATTP | 26-01-2024

Bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024

Tin về ATTP | 26-01-2024

Đảm bảo thực phẩm an toàn ngày Tết

Tin về ATTP | 19-01-2024

Kiểm soát thực phẩm những ngày cận Tết

Tin về ATTP | 19-01-2024

Bảo quản thực phẩm an toàn trong Tết Nguyên đán

Tin về ATTP | 19-01-2024