Tin tức

Thời gian qua, tình trạng quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo, gây nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. lời giải cho “bài toán” này?

Tin về ATTP | 27-12-2021 | 30 lượt xem

1. Thực trạng công tác quản lý giết mổ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1.483 cơ sở giết mổ gồm có 08 cơ sở giết mổ tập trung, 02 cơ sở giết mổ lợn sữa xuất khẩu  và 01 Nhà máy giết mổ gia cầm VietAvis, tại xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa với công xuất giết mổ 2.500 con/giờ. Số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ là 1.455 cơ sở, trong đó: 1.176 cơ sở giết mổ lợn, 143 cơ sở giết mổ gia cầm, 103 cơ sở giết mổ trâu bò, 33 cơ sở giết mổ hỗn hợp. Với số dân khoảng 3,7 triệu người nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm mỗi ngày trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

Hằng ngày, trên địa bàn tỉnh giết mổ, tiêu thụ khoảng 3.500 con lợn, 300 con trâu bò, 40.000 nghìn con gia cầm, trong đó 50% lượng thịt gia súc, gia cầm được cung cấp từ các cơ sở giết mổ được kiểm soát giết mổ; 50% còn lại được giết mổ tại các hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ, nguồn thịt nhập khẩu và từ ngoại tỉnh nhập vào.

Hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công rất da dạng rải rác hầu hết trong các khu dân cư của các huyện, thị xã, thành phố. Một số cơ sở giết mổ hoạt động theo mùa vụ tự phát không hoạt động thường xuyên nên việc kiểm tra kiểm soát giết mổ gặp rất nhiều khó khăn không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Đa số các cơ sở giết mổ này không được UBND các huyện, thị xã, thành phố cấp phép hoạt động, không được kiểm soát giết mổ theo quy định. Thực tế đây là nguồn lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

2. Nguyên nhân

Công tác quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng thú y quá “mỏng” mỗi xã chỉ có 01 cán bộ thú y mà các điểm giết mổ này lại quá nhiều có trung bình 3-4 có sở giết mổ nhỏ lẻ/xã, trong khi đó thời gian giết mổ tập trung chủ yếu từ 3-5 giờ sáng. Bên cạnh đó, Việc kêu gọi, thu hút xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm, môi trường tại các địa phương chưa có hiệu quả, gặp nhiều khó khăn (đặc biết việc bố trí quỹ đất để xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố).

Một số cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư bài bản không cạnh tranh được với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ khó duy trì hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng như: Cơ sở giết mổ Phú Sơn, Tp. Thanh Hóa; Cơ sở giết mổ tập trung xã Định Long huyện Yên Định; Cơ sở giết mổ tập trung Phường Quảng Tiến, Tp Sầm Sơn, Cơ sở giết mổ Phường Phú Sơn, Tx Bỉm Sơn; Cơ sở giết mổ gia cầm Thành Vân, Thạch Thành; Cơ sở giết mổ tập trung thị trấn Tân Phong, Quảng Xương;…Một trong những nguyên nhân chính là do: Không dẹp bỏ được các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn.

Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chiếm tỷ lệ cao (63% tổng đàn gia súc, gia cầm) cũng như thói quen tiêu dùng thịt nóng của người dân được xem là những nguyên nhân để các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ có điều kiện tồn tại.

Một số huyện, thị xã, thành phố còn lơ là trong việc quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ , chưa thật sự quan tâm công tác quản lý giết mổ và triển khai thực hiện thu hút, kêu gọi các tổ chức, cá nhân xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn quản lý; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ.

Việc kiểm tra, xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ của UBND các huyện, thị xã, thành phố theo phân cấp tại Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 25/6/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh chưa được thực hiện quyết liệt, triệt để, chưa mang tính răn đe. Ngoài ra, các hộ giết mổ chưa nhận thức đúng về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt để kiếm lời, chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung. Số lượng chợ đầu mối buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm chưa đáp ứng nhu cầu, cho nên hiện tượng buôn bán, kinh doanh sản phẩm động vật ở các chợ “cóc”, chợ tạm phục vụ đời sống dân sinh vẫn diễn ra thường xuyên, lại được vận chuyển bằng xe máy cho nên không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y.

3. Giải pháp

Ngày 25-5-2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND về quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Ngày 16-6-2021, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND; ngày 02-12-2021 Kế hoạch số 236/KH-UBND nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập đội kiểm tra liên ngành lưu động,  đội kiểm tra liên ngành quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, yêu cầu các cơ sở giết mổ ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay 100% số cơ sở giết mổ thực hiện ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; toàn tỉnh đã xây dựng được 1.416/1.483 mô hình giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Để hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm được quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn, cần tổ chức hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết giữa các cơ sở giết mổ với hộ chăn nuôi quy mô lớn để tạo liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường; triển khai kế hoạch, vận động đưa các điểm, hộ, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn. Ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gắn với xây dựng nhà máy giết mổ, sơ chế, chế biến, chế biến sâu theo chuỗi liên kết giá trị.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố cần kiên quyết xóa bỏ các cơ sở giết mổ không đủ điều kiện vệ sinh thú y, chưa có giấy phép theo quy định. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, từng bước thay đổi tập quán tiêu dùng của người dân cho phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại thông qua việc cải tạo, nâng cấp các chợ đầu mối thực phẩm và phát triển hệ thống cửa hàng, siêu thị chuyên kinh doanh thực phẩm./.

 

 

 

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024