Tin tức

Phát huy vai trò của hợp tác xã Trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Tin về ATTP | 14-11-2023 | 68 lượt xem

Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã và đang trở thành vấn đề được quan tâm bởi sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng. Với tình trạng nông dân vẫn còn sản xuất theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, tư duy sản xuất theo khả năng hiện có của mình và đặc biệt thiếu sự liên kết trong từng khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là một trong những nguyên nhân khiến các loại nông sản rơi vào tình trạng bấp bênh trên. Nhằm giải quyết vấn đề này, trong từng giai đoạn Chính phủ đã ban hành các chính sách để thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, như: Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, Quyết định 62/2013/QĐ-TTg… và mới nhất là Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây thực sự là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, trong đó vai trò của sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ là vô cùng quan trọng.  

Hiện nay, có ba hình thức liên kết chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. Trong thực tế hình thức liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp là mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi có hiệu quả cao nhất hiện nay. Việc liên kết trước hết là mang lợi ích cho người nông dân sản xuất, HTX cũng như các doanh nghiệp tham gia liên kết. Đối với người nông dân, để đảm bảo nông sản sản xuất ra tiêu thụ được và ổn định đòi hỏi mỗi loại nông sản đó phải có khối lượng đủ lớn, chất lượng đồng đều, giá thành sản xuất hợp lý và đặc biệt là phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của thị trường. Nhưng với từng hộ nông dân không thể làm được điều này và quan trọng hơn nữa là việc bảo quản hay sơ chế nông sản hoàn toàn vượt ra khỏi khả năng của từng nông hộ. HTX thực sự trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân.

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các địa phương và sự đồng thuận, chuyển đổi tư duy của người dân về kinh tế tập thể, HTX. Các HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thích hợp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội…

Theo báo cáo sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến tháng 8 năm 2023, toàn tỉnh hiện có 806 HTX nông nghiệp; trong đó: 756 HTX nông nghiệp đang hoạt động và 50 HTX đang tạm ngừng hoạt động; 80 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 59 HTX nông nghiệp tham gia sản xuất với 75 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng; 523 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Nhìn chung các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khá ổn định, số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ, việc làm cho thành viên; phát huy tốt vai trò hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển bằng việc thực hiện tốt các dịch vụ như: Thủy lợi, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, cung ứng vật tư, khuyến nông, làm đất, bảo vệ thực vật, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thể hiện vai trò vừa dẫn dắt, vừa lôi kéo kinh tế hộ cá thể vào HTX; hướng người nông dân vào HTX kiểu mới để sản xuất nền nông nghiệp theo quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, có giá trị gia tăng, hướng đến xuất khẩu.

Về các HTX tham gia các chuỗi liên kết: Hiện có 523 HTX tham gia liên kết bền vững, chiếm 69,18% số HTX nông nghiệp toàn tỉnh (tập trung chủ yếu ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới). Các HTX này đã có sự liên kết chặt chẽ với Doanh nghiệp - Hộ sản xuất; chủ động tìm kiếm bạn hàng (các doanh nghiệp, các HTX tiêu thụ sản phẩm) để ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản; ký kết thỏa thuận với các hộ sản xuất để bao tiêu sản phẩm... Điển hình như chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ mía đường với Công ty CP mía đường Lam Sơn và Công ty CP mía đường Việt Đài; chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo với Công ty Giống cây trồng trung ương, Công ty thương mại Sao Khuê; chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm dưa vàng Kim Hoàng hậu trong nhà màng giữa Công ty CP mía đường Lam Sơn với các HTX thuộc các huyện Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Thường Xuân, giữa HTX dịch vụ cơ giới hoá nông nghiệp xã Đông Tiến với các HTX sản xuất dưa vàng Kim Hoàng hậu trên địa bàn tỉnh; chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn giữa HTX DVNN Phú Lộc và Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao... Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, hoặc trực tiếp làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm của các HTX nông nghiệp đã giúp nông dân tránh được tình trạng bị ép giá, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất, nhất là đối với những hộ nông dân thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn đầu tư.

Thực tế phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian qua cho thấy, các HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và liên kết, hợp tác phát triển sản xuất, cũng là hướng đi tất yếu cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Với điều kiện thực tế hiện nay của các địa phương trên địa bàn tỉnh thì mô hình HTX trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khá phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Có hợp tác liên kết mới tập trung đất đai - tư liệu sản xuất chính để tạo ra vùng sản xuất tập trung, những cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu và điều kiện cần thiết để áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm, tạo ra khối lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng yêu cầu của chuỗi tiêu thụ/phân phối hiện đại, khắc phục những nhược điểm của kinh tế hộ nhỏ, lẻ hiện có.

HTX dịch vụ cơ giới hoá nông nghiệ huyện Đông Sơn

Để phát huy vai trò của hợp tác xã trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hoá đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh lồng ghép nhiều chương trình, ban hành và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp, cụ thể như: tư vấn, hỗ trợ về quy trình thành lập HTX, xây dựng Điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh hàng năm và cả nhiệm kỳ; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý và thành viên HTX nông nghiệp; cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể cấp huyện; hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng tại các hội chợ triển lãm của tỉnh qua đó để các HTX có thêm cơ hội tìm kiếm thị trường, đối tác; hỗ trợ kinh phí chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ các HTX đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ giúp các HTX dịch vụ nông nghiệp của tỉnh phát huy vai trò cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, tạo động lực quan trọng để phát triển hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn, phát triển bền vững./.

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024