Tin tức

Nhân rộng mô hình cửa hàng thực phẩm an toàn

Tin về ATTP | 12-03-2019 | 50 lượt xem

Thực hiện Kế hoạch 135/KH-UBND ngày 16-8-2017 của UBND tỉnh về xây dựng thí điểm các mô hình an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó có hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn (TPAT), các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh đã nỗ lực vào cuộc. Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ nhằm tiến tới loại bỏ chợ tạm, chợ cóc. Đồng thời, hình thành thói quen tiêu dùng hàng hóa rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của người dân.

Theo Kế hoạch 135/KH-UBND, mô hình cửa hàng TPAT được hình thành và phát triển với 138 cửa hàng trên địa bàn tất cả các địa phương trong năm 2018. Trong đó, TP Thanh Hóa được lựa chọn 20 cửa hàng; TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn mỗi địa phương lựa chọn 10 cửa hàng; mỗi huyện đồng bằng, ven biển lựa chọn 5 cửa hàng; mỗi huyện miền núi lựa chọn 3 cửa hàng để tổ chức thực hiện. Trong đó, trên địa bàn các xã, phường, thị trấn được lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm là xã, phường, thị trấn ATTP phải có ít nhất 1 cửa hàng kinh doanh TPAT. Các xã, phường, thị trấn được lựa chọn xây dựng cửa hàng kinh doanh TPAT phải bố trí địa điểm với diện tích tối thiểu 30m2 cho các đơn vị kinh doanh mượn (không thu phí) để xây dựng cửa hàng kinh doanh TPAT. Các cửa hàng này cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí in tem xác nhận “Sản phẩm chuỗi cung ứng TPAT” tích hợp cùng với tem thông minh phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm với mức 3 triệu đồng/cửa hàng/năm.

Theo rà soát của Sở Công Thương, đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã xây dựng được 191/138 cửa hàng (đạt 138%). Trong đó, có nhiều địa phương hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao, tiêu biểu như: TP Thanh Hóa 74/20 cửa hàng; huyện Đông Sơn 15/5 cửa hàng; huyện Yên Định 8/5 cửa hàng.

TP Thanh Hóa là đô thị đông dân nhất cả tỉnh, việc bảo đảm cung ứng nguồn TPAT cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày cho người dân luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo kế hoạch, TP Thanh Hóa được giao thực hiện xây dựng 20 cửa hàng TPAT. Tuy nhiên, với điều kiện về dân số và thu nhập, cũng như tiềm năng thu hút, phát triển doanh nghiệp, TP Thanh Hóa đã xây dựng được 74 cửa hàng TPAT. Nhiều chuỗi cửa hàng đã ghi nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng và phát triển, lan tỏa nhanh, như: Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch AT food , Pic food, ATC food... Chị Hoàng Thị Mai Loan, phường Đông Vệ, chia sẻ: Thường xuyên mua thực phẩm tại các cửa hàng TPAT, chị rất hài lòng vì xác định được nguồn gốc của sản phẩm khi sử dụng. Chủng loại thực phẩm tại các cửa hàng TPAT cũng ngày càng đa dạng, được cung cấp bởi những nhà sản xuất uy tín nên tạo sự yên tâm về vấn đề vệ sinh ATTP và chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, một số địa phương lại đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc xây dựng và duy trì hoạt động hệ thống cửa hàng này, như: Huyện Thạch Thành (1/3 cửa hàng); huyện Nông Cống (1/5 cửa hàng); huyện Mường Lát (1/3 cửa hàng)... Theo kế hoạch, thị xã Bỉm Sơn được lựa chọn xây dựng 10 cửa hàng TPAT. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 6 cửa hàng được đưa vào hoạt động. Đại diện Phòng Kinh tế, UBND thị xã Bỉm Sơn, cho biết: Mặc dù là đô thị, tuy nhiên thực tế hiện nay, người tiêu dùng trên địa bàn vẫn còn có thói quen mua thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ cóc, lề đường. Hơn nữa, người dân cũng chưa hoàn toàn tin tưởng vào thực phẩm từ những cơ sở, cửa hàng cung ứng TPAT. Địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hồ sơ để cho người kinh doanh cửa hàng TPAT mượn theo cơ chế ưu đãi của Kế hoạch 135/KH-UBND.

Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương trong tỉnh, dù đã hình thành được các cửa hàng TPAT nhưng lại trở nên “vắng bóng” sau một thời gian ngắn. Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc, chia sẻ: Chi phí để mở một cửa hàng TPAT đạt chuẩn khá lớn; đồng thời, phí đầu tư sản xuất thực phẩm sạch giá lại cao, dẫn đến giá bán các sản phẩm trên thị trường cũng cao hơn và khó cạnh tranh với sản phẩm truyền thống. Cách đây không lâu, trên địa bàn có khai trương cửa hàng thực phẩm sạch tại thị trấn Hậu Lộc, nhưng khi chính thức đi vào hoạt động thì cơ sở này không giữ chân được khách hàng và đành phải đóng cửa sau một thời gian ngắn hoạt động.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, mặc dù kế hoạch phát triển cửa hàng TPAT trên địa bàn tỉnh vượt chỉ tiêu đề ra nhưng chưa đồng đều ở các địa phương. Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức việc thực hiện xây dựng các mô hình, cũng như chưa chặt chẽ trong công tác giám sát các quy định của cửa hàng kinh doanh TPAT như vấn đề nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn sản phẩm để tạo niềm tin vững vàng cho người tiêu dùng. Việc lựa chọn xây dựng mô hình cửa hàng kinh doanh TPAT của các huyện, thị xã, thành phố chưa gắn với việc lựa chọn các xã, phường, thị trấn có khả năng đáp ứng được các mô hình ATTP, dẫn đến một số địa phương lúng túng. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm đối với thói quen sử dụng TPAT, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, bám sát công tác chỉ đạo, xây dựng các cửa hàng kinh doanh TPAT mẫu tại các huyện, thị xã, thành phố. Phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP chặt chẽ, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh TPAT cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu bằng chất lượng. Trước khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng cần nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu thị trường, tâm lý khách hàng ở từng địa phương để có cách thức cung ứng phù hợp, tạo sự tin tưởng bền vững cho khách hàng.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024