Tin tức

Không chủ quan trong vấn đề an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

Tin về ATTP | 22-05-2023 | 40 lượt xem
Nắng nóng dễ làm thực phẩm hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thức ăn. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn thực phẩm là điều cần quan tâm hàng đầu của người dân và cơ quan chức năng tại Thanh Hóa

Những ngày gần đây, thời tiết tại Thanh Hóa nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Với điều kiện thời tiết như vậy, việc kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là điều hết sức quan trọng.

Lo lắng cho sức khỏe của gia đình khi thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều gia đình trên địa bàn thanh phố đã thường xuyên chọn các siêu thị, cửa hàng thực phẩm để chọn mua đồ ăn.

Một khách hàng đang mua sắm tại cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn cho hay: “Thời tiết nắng nóng, đồ ăn mua về nếu không sử dụng ngay sẽ rất nhanh bị ôi thiu. Trừ một số thực phẩm có thể bảo quản trong tủ lạnh, còn lại, gia đình ăn đến đâu, tôi mua đến đó. Tôi thường xuyên đến các cửa hàng thực phẩm, siêu thị để mua đồ. Tại đây, thực phẩm rất đa dạng, được bảo quản quy chuẩn, sạch sẽ, có hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên tôi yên tâm.”

 

Các mặt hàng thực phẩm, rau, củ quả... tại siêu thị Co.opmart

Tại siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, các loại hoa quả, rau xanh đều được bày bán ở những vị trí thoáng mát, nhiệt độ từ 18 - 25 độ C. Thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm đông lạnh được bày bán trong tủ đông ở nhiệt độ -18 đến -23 độ C nhằm đảm bảo các sản phẩm luôn giữ được độ tươi ngon. Các mặt hàng chế biến sẵn bán trong ngày cũng được bày bán và bảo quản trong tủ mát theo từng nhóm hàng để đảm bảo về quy định an toàn thực phẩm…

Đại diện siêu thị Co.opmart cho biết: “Việc bảo đảm ATVSTP được siêu thị coi trọng hàng đầu. Từ quy cách đóng hộp, bọc kín thực phẩm bằng màng bọc an toàn đến việc phân loại và bảo quản từng mặt hàng đều được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc theo quy định. Nhân viên siêu thị thường xuyên tiến hành kiểm tra thực phẩm tại các kho, tủ và quầy hàng nhằm bảo đảm thực phẩm luôn được bảo quản trong điều kiện tốt nhất và an toàn nhất”.

Theo chủ một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại phường Điện Biên cho biết: “Trung bình mỗi ngày, quán ăn của tôi phục vụ khoảng 200 - 300 lượt khách. Dù lượt khách khá đông song việc đảm bảo ATTP chúng tôi không thể lơ là, nhất là trong thời điểm nắng nóng, thực phẩm dễ hỏng, ôi thiu. Vì thế, với nguyên liệu đầu vào, chúng tôi chỉ nhập vừa đủ, bán hết trong ngày để đảm bảo thức ăn được tươi ngon, an toàn cho sức khỏe của thực khách”.

Nhiều mặt hàng chế biến sẵn được bày bán tại chợ không được che đậy, bảo quản cẩn thận.

 

Tuy nhiên, nhiều tiểu thương, chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm tại Thanh Hóa vẫn còn thờ ơ với việc bảo quản thực phẩm, nhất là khi trong mùa nắng nóng, nên rất dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm do nhiệt độ tăng cao làm ảnh hưởng chất lượng thực phẩm.

Tại một số gian hàng ở chợ trên địa bàn các huyện dễ dàng bắt gặp hình ảnh các loại thực phẩm chế biến sẵn được bày bán mà không được che dậy, không được bảo quản trong tủ kín. Nhiều loại thực phẩm chín còn được bày bán sát cạnh thực phẩm sống, điều này không chỉ gây mất vệ sinh mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo.

 

Người dân cần nâng cao nhận thực trong việc lựa chọn thực phẩm và địa điểm ăn uống.

Còn tại một số quán ăn đường phố, nhiều thực phẩm không được bảo quản đúng quy chuẩn, thiết bị bảo quản không đầy đủ. Người chế biến không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín. Địa điểm kinh doanh thường là ven đường, nhiều phương tiện qua lại dễ gây mất ATVSTP.

Theo Ông Nguyễn Hữu Hà -  Phó Chi cục trưởng, chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi rút phát triển, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm rất cao. Do đó, người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể… phải lựa chọn những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng ở những cửa hàng cố định đủ điều kiện về ATVSTP. Việc bảo quản thực phẩm cần cẩn thận theo đúng nguyên tắc, tuyệt đối không để lẫn thực phẩm chín đã qua chế biến với thực phẩm sống.

Ngoài ra, khi chế biến thực phẩm cần giữ gìn vệ sinh, rút ngắn thời gian chuẩn bị và phục vụ bữa ăn, phải ăn ngay sau khi nấu xong, bảo quản thức ăn cẩn thận tránh côn trùng, động vật gây hại xâm nhập. Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc phòng chống ngộ độc và các bệnh lây qua đường tiêu hóa, thực hiện nghiêm túc các quy định về ATVSTP.

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc (0)
Nhập thông tin của bạn:

Bài viết mới nhất

Thanh Hóa tăng cường thanh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin về ATTP | 18-07-2024

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tình hình địa phương.

Tin hoạt động | 18-07-2024

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm”

Tin hoạt động | 27-05-2024

Phối hợp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tin hoạt động | 15-05-2024

Thanh Hóa: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa  phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị  tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; Ban Điều hành mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm” ở khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định.

Tin về ATTP | 01-04-2024